Trang chủ > Phóng sự, Văn hóa & Đời sống > Sài Gòn, những di tích thành phế tích

Sài Gòn, những di tích thành phế tích

Tháng Năm 12, 2011

Nguyễn Ðạt/Người Việt:

SÀI GÒN – Một ngày trong tháng 4, 2011 vừa qua, có dịp ghé làng An Phú xưa, nay thuộc quận 2 (tách ra từ quận Thủ Ðức), chúng tôi tới thăm đình An Phú nổi tiếng ở đây.

Chánh diện chùa Giác Viên. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Xây dựng từ những thập niên đầu thế kỷ 19, thờ thần Hoàng Bửu Cảnh; đình An Phú là nơi bảo tồn những di tích cổ kính, thể hiện tín ngưỡng dân gian của làng An Phú xưa.

Ðình An Phú hiện ra trước mắt chúng tôi như ngọn nến đang tàn lụi, giữa các công trình chung cư, cao ốc của dự án thiết kế đô thị An Phú-An Khánh mọc lên dày đặc.

Sau trận mưa hôm trước, toàn bộ ngôi đình An Phú ngập dưới nước mưa tù đọng cao gần một mét. Mái ngói đình xiên xẹo; cột long tường nứt muốn rời khỏi nền móng; nguy cơ ngôi đình sụp đổ xảy ra bất cứ lúc nào. Mọi thứ bên trong đình đều phải kê đặt lên cao để khỏi ướt.

Ngày cúng đình An Phú, gặp trận mưa ấy, đã không thể tổ chức được. Ông phó hội đình An Phú nói với chúng tôi: “Ðịa phương không được phép làm gì hết, vì ngôi đình thuộc sự quản lý của thành phố. Ðình An Phú đã được liệt hạng là di tích cấp thành phố; mọi sửa chữa tu bổ phải được cấp sở cho phép, chứ cấp quận không dám tự ý sửa chữa, tu bổ.”

Ngôi đình An Phú cứ im lìm như thế, để đi vào tàn lụi. Ban hội đình An Phú và dân cư làng An Phú xưa, chỉ có thể than thở về một di tích lịch sử, tín ngưỡng của địa phương bị mai một; cùng hàng trăm di tích khác ở Sài Gòn, đã được nhà nước cộng sản liệt hạng là di tích cấp thành phố.

Chúng tôi tới thăm một di tích cấp quốc gia, chùa Giác Viên, để thấy số phận của chùa cũng hẩm hiu, đen tối như đình An Phú, di tích cấp thành phố.

Cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi khi ghé thăm, là ngôi chùa đang gắng sức tàn, chuẩn bị mừng ngày Phật đản – Phật lịch 2555 – Dương lịch 2011.

Chùa Giác Viên, tọa lạc trong hẻm 247 đường Lạc Long Quân, quận 11; là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Sài Gòn, được chính thức đặt tên là chùa Giác Viên từ năm 1850.

Trong chùa Giác Viên có trên 150 pho tượng lớn nhỏ, đa số là tượng gỗ; nhiều tác phẩm điêu khắc và chiếc giá võng của triều đình nhà Nguyễn tặng hòa thượng trụ trì. Chùa Giác Viên là điển hình của kiến trúc chùa chiền Nam bộ; đặc sắc nhất là 60 bao lam lớn nhỏ chạm khắc tinh xảo.

Hệ thống phù điêu của chùa Giác Viên đa dạng, tinh xảo như chạm khắc ở các bao lam. Phù điêu làm nền cho các câu đối; phù điêu trên các thân cột; với các đề tài như: Bát Tiên, Thập bát La Hán, Tứ linh, và khung cảnh sinh hoạt dân gian Nam bộ; những con sóc đuổi bắt nhau trên dây bầu bí; chuột cắn đuôi nhau; chim sẻ mớm mồi cho con; hoa sen nở rộ; cá bơi lội…

Bên trong chùa Giác Viên, liền kề chánh điện thủng mái, cột gãy. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Các phù điêu này được làm khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sau những lần trùng tu lớn. Ðợt trùng tu cuối cùng của chùa Giác Viên diễn ra trong vài năm, hoàn tất vào năm 1962. Có thể nói, chùa Giác Viên là một trong những di tích có kiến trúc, trang trí điêu khắc độc đáo, đặc sắc vào bậc nhất của vùng đất Sài Gòn-Gia Ðịnh; là nơi các nhà nghiên cứu tìm đến để hiểu biết sâu xa tường tận về văn hóa dân gian Nam bộ.

Ấy vậy mà, khi tới chùa Giác Viên hôm nay, chúng tôi không khỏi xót xa, trước sự hoang phế lụi tàn của ngôi chùa. Toàn bộ chùa Giác Viên hiện nay, duy nhất tấm biển ghi những dòng chữ của nhà nước vinh danh cho di tích này, là chói sáng: “Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia / Chùa Giác Viên / Quyết định xếp hạng của Bộ Văn Hóa Thông Tin số 43-VH/QÐ ngày 7 tháng 1 năm 1993.”

Trong khuôn viên chùa, quần thể tháp kiến trúc khá đẹp trước đây, nay phôi pha long lở, đứng giữa rác rến đủ loại. Ngôi nhà Trai, mái ngói xô lệch, tường vách nứt rạn thành đường rãnh lìa khỏi chỗ nối kết; kèo cột bị mọt mối đục ruỗng; trước cửa vào, các sư treo tấm biển giấy các-tông ghi hàng chữ lớn: Nguy Hiểm / Không Vào.

Nghĩa là, từ lâu nay ngôi nhà Trai không sử dụng được nữa, vì nguy cơ sụp đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ðứng từ xa nhìn vào, các ngôi nhà của chùa Giác Viên, kể cả ngôi chánh điện, đều đã nghiêng lệch.

Vào bên trong chùa Giác Viên, chúng tôi thấy không khác gì phía bên trong của đình An Phú. Một phần phía bên trái của chánh điện, mái ngói, vì kèo đã rớt đổ hết; nắng mưa thả sức tuôn tràn xuống. Một phần khác, cũng kề sát chánh điện, cột xây đã gãy đổ, được chống dựng tạm thời cho có.

Hẳn nhiên cuộc sống của các sư trong chùa Giác Viên thật khốn khổ; nhất là vào mùa mưa, nước mưa ngập tới nền cao của chánh điện. Sinh kế chủ yếu của các sư trong chùa, có lẽ trông cậy ở việc tổ chức nghi lễ ma chay tống táng cho các gia đình có người thân qua đời.

Chúng tôi được biết, vị hòa thượng trụ trì hiện nay của chùa Giác Viên còn thăm bệnh, bắt mạch, hốt thuốc Nam cho dân địa phương; đặc biệt là nhận “khoán” cho các trường hợp người bị bệnh “dời leo,” Tây y gọi là “Zona.” Trong thực tế, chúng tôi biết, một số người đến “khoán,” bệnh nặng thêm!

Nhà Trai chùa Giác Viên có nguy cơ sụp đổ. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Than thở về việc ngôi chùa Giác Viên, được nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia mà chịu số phận hoang phế lụi tàn, một vị sư trẻ nói với chúng tôi: “Phải chi hồi trước chùa tụi tui đồng ý cho công viên văn hóa Ðầm Sen thông lối công viên liền dzô chùa. Coi chùa Giác Viên như một cảnh quan một di tích cấp quốc gia; gắn liền công viên văn hóa, tức nhiên mấy ông bên Ðầm Sen phải tu sửa chùa cho tụi tui, đâu tới nông nỗi như thế này…!”

Xót xa trước một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của ngôi chùa cổ đang trở thành phế tích, chúng tôi còn e rằng, không có gì bảo đảm cho những pho tượng, những tác phẩm điêu khắc, vẫn cứ “an nhiên tự tại” trong chánh điện.

Trước đây, vị hòa thượng trụ trì chùa Giác Viên không đồng ý thông lối, gắn với công viên văn hóa Ðầm Sen, do e ngại những di tích cổ, vật phẩm quý của chùa bị thất thoát. Nhưng hiện nay, sinh hoạt trong chùa Giác Viên cũng khá phức tạp, với nhiều người ngụ cư không rõ là thành phần nào, ăn ở hẳn bên trong khu nhà trù của chùa Giác Viên.